Theo Bloom Books
Trong một mối quan hệ tình cảm mà đối phương là người có xu hướng kiểm soát quá mức hoặc thường sử dụng kỹ thuật thao túng tâm lý, việc bạn nói lời chia tay quá nhanh sẽ chỉ khiến họ gia tăng những hành vi đe dọa.
Trong hầu hết trường hợp, việc nói lời chia tay với đối phương sau khi ở trong một mối quan hệ bị kiểm soát và thao túng tâm lý kéo dài quá lâu thường rất khó thành công.
Vì vậy, để bạn có thể dần dần chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ này và đảm bảo an toàn cho bản thân, hãy bắt đầu từ gợi ý 7 bước sau đây.
1. ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ AN TOÀN CỦA BẠN
Trong hầu hết trường hợp, nếu đối phương thường có những biểu hiện kiểm soát hoặc thao túng tâm lý (cho dù họ chưa bao giờ bạo lực thể chất với bạn), việc bạn nói lời chia tay sẽ chỉ kích hoạt nỗi sợ mất đi sự kiểm soát, từ đó khiến họ gia tăng những hành vi đe dọa.
Ngay cả khi bạn cho rằng đối phương sẽ không làm hại bạn, một mối quan hệ kiểm soát có thể “leo thang” bất cứ lúc nào. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị trước một kế hoạch. Hãy nghĩ về những gì đối phương có thể làm nếu bạn nói lời chia tay, ghi lại những lo lắng của bạn, học thuộc những số điện thoại khẩn cấp (như 112) và hãy nhớ rằng bạn có thể tìm đến pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân.
2. GIỮ KẾT NỐI VỚI CÁC MỐI QUAN HỆ KHÁC
Một trong những điều đầu tiên mà người có hành vi kiểm soát và thao túng tâm lý làm chính là tạo khoảng cách giữa bạn và người thân của bạn. Hơn nữa, việc chia sẻ về mối quan hệ không hạnh phúc cho gia đình, bạn bè hay người quen có thể khiến bạn cảm thấy tự ti và càng không muốn nói ra.
Tuy nhiên, để bảo vệ chính mình, hãy hít thở sâu, bỏ qua những ngại ngùng và cố gắng giữ sự kết nối với người thân hay bất kỳ ai bạn biết, cho dù người đó là đồng nghiệp, hàng xóm hay một nhà trị liệu vì họ sẽ giúp bạn giữ tỉnh táo, bình tĩnh và hỗ trợ bạn bất cứ lúc nào.
3. VẠCH RA CÁC CON ĐƯỜNG VÀ KỊCH BẢN KHÁC NHAU
Người xưa có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì vậy, hãy vẽ ra những tình huống mà bạn có thể gặp phải khi muốn kết thúc tình cảm với đối phương.
Sau đây là một số gợi ý cho bạn:
Nếu hai bạn sống chung và bạn là người sẽ dọn đi, bạn sẽ sống ở đâu? Những tài sản, đồ đạc cần thiết bạn cần mang theo bên mình là gì?
Nếu bạn định yêu cầu đối tác rời đi, bạn sẽ có biện pháp bảo vệ thể chất (nếu cần thiết) nào nếu họ từ chối và nổi giận? Hai bạn có tài sản chung gì cần phải giải quyết theo pháp luật không?
Nếu hai bạn là vợ chồng và có con chung, bạn sẽ làm thế nào để giữ cho lũ trẻ an toàn về mặt tinh thần lẫn thể chất?
Bạn sẽ nói gì với những người bạn chung hay gia đình của đối tác về việc chia tay?
Đây chỉ là những câu hỏi gợi ý để bạn có sự chuẩn bị tốt nhất. Lường trước những tình huống có khả năng xảy ra sẽ giúp bạn tránh được những thiệt hại không đáng có.
4. GIỮ TINH THẦN TỈNH TÁO VÀ YÊU THƯƠNG BẢN THÂN
Thật không dễ dàng khi phải đối mặt với việc kết thúc một mối quan hệ với đối phương là người có xu hướng kiểm soát tâm lý, vì điều này có thể tác động tiêu cực lên sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của bạn. Vậy nên, đừng quên chăm sóc bản thân, tránh bỏ bữa hay ngủ không đủ giấc nhé.
5. TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ
Ở trong một mối quan hệ mà bạn bị thao túng tâm lý quá lâu, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi có người nào đó quá quan tâm đến cảm xúc của bạn và khiến bạn không dám kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác. Tuy nhiên, sau khi đã xác định đâu là những người có thể hỗ trợ cho bạn, hãy thường xuyên cho họ biết bạn đang trải qua những gì, và chia sẻ thật cụ thể điều bạn cần họ giúp (vì trong nhiều trường hợp, ngay cả người thân của nạn nhân cũng không rõ họ phải làm gì).
Điều quan trọng là bạn phải lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ, đừng chịu đựng một mình nhé.
6. NHẬN THỨC RÕ RẰNG BẠN CÓ THỂ TRẢI QUA SỰ HỖN LOẠN CẢM XÚC
Khi quyết định chấm dứt một mối quan hệ tình cảm không lành mạnh, bạn có thể trải qua những thay đổi liên tục trong cảm xúc. Lúc đầu, bạn có thể sẽ rất quyết tâm và có động lực để nói lời chia tay với đối phương. Nhưng vào sáng hôm sau, bạn bỗng nhiên cảm thấy sợ hãi và không muốn đối diện với sự việc, hoặc đối phương sẽ tiếp tục sử dụng kỹ thuật thao túng (chẳng hạn như nói những lời ngon ngọt), khiến bạn suy nghĩ lại về quyết định chia tay của mình.
Điều bạn cần ghi nhớ là hầu như những người từng ở trong mối quan hệ kiểm soát đều trải qua cảm xúc tương tự. Vì vậy, bạn phải thật tỉnh táo, càng lường trước được điều này, bạn càng có nhiều khả năng thực hiện đúng kế hoạch ban đầu của mình.
Tuy nhiên, nếu không thể điều khiển cảm xúc, không sao cả, bạn vẫn có thể thử lại lần sau.
7. VÌ HẠNH PHÚC CỦA CHÍNH BẠN, ĐỪNG BỎ CUỘC
Rời bỏ một mối quan hệ kiểm soát, hay thậm chí chỉ là thực hiện những thay đổi nhỏ, là một quá trình đòi hỏi sự nhẫn nại và tinh thần vững vàng. Vì vậy, nếu lần đầu không thành công, đừng nghĩ rằng bạn đã thất bại và rồi để bản thân bị mắc kẹt mãi trong mối quan hệ đó.
Hãy hít thở thật sâu, nghỉ ngơi một thời gian và sau đó bắt đầu lại. Nếu bạn có thể tăng cường sự hỗ trợ từ người thân và học hỏi từ những lần thất bại thì nỗ lực nào cũng sẽ dẫn đến thành công.
Theo Bloom Books