Bloombooks
Trưởng thành là sự thay đổi mạnh mẽ và liên tục. Sẽ có người tự nguyện thay đổi, tự mình đẩy nhanh quá trình thay đổi để nhanh chóng tiến lên. Nhưng cũng sẽ có người, thay đổi do hoàn cảnh bắt buộc, bị đẩy vào những quyết định mà từ đó cuộc đời họ sẽ thay đổi mãi mãi. Dù tự nguyện hay không, thì thay đổi là điều tất yếu. Nhưng để quá trình thay đổi trở nên dễ dàng hơn, chúng ta trước hết cần phải biết chấp nhận bản thân.
Một điều quan trọng tôi nhận ra rằng, càng trưởng thành chúng ta lại càng biết cách nói dối chính mình. Có những vấn đề lẽ ra khi còn rất nhỏ, nếu chúng ta can đảm đối diện và chấp nhận nó, thì sẽ có thể xử lý. Nhưng vì không đủ can đảm, ngày qua ngày tìm cách tránh đi, tự huyễn hoặc bản thân mình rằng vấn đề đó chỉ cần quên đi thì tự nó sẽ biến mất.
Trong một tập video gần đây trên kênh Youtube của mình về chủ đề Những chuyến đi thay đổi cuộc đời, tôi đã mời hai cô bạn độ tuổi trên dưới 30. Chúng tôi cùng nhau trao đổi về câu hỏi: “Liệu xuất thân gia đình có phải là lý do chúng ta nỗ lực hơn người khác?”
Trả lời câu hỏi đó, cô bạn Luffy của tôi – hiện là Quản lý dịch vụ VIP của một tập đoàn bất động sản có tiếng, đã nói thế này: “Nếu hỏi em có tự ti khi xung quanh mình là những bạn du học về hoặc gia đình có hoàn cảnh tốt hơn mình không? Thì có, em tự ti chứ. Nhưng xuất thân là điều chúng ta không thay đổi được. Điều chúng ta có thể thay đổi được là hiện tại và tương lai. Nếu cuộc đời em không được sinh ra ở gần vạch đích như những người khác, thì bây giờ, ở tuổi trưởng thành, em hoàn toàn có thể chủ động tạo lại cho mình một vạch xuất phát tốt hơn.
Khi đã chấp nhận được rằng 20 năm đầu đời của chúng ta là điều không thể thay đổi được, bạn sẽ có hai lựa chọn, hoặc là buông trôi cho số phận, hoặc là phải nỗ lực phấn đấu. Đâu đó trong quá trình mình nỗ lực, cố gắng, chúng ta sẽ cảm thấy rất mệt. Cũng sẽ có những người chấp nhận những việc làm sai để có thể có một tương lai giàu có sớm hơn, nhưng đó không phải là lựa chọn của em. Dù phải nhích từng bước một, em cũng sẽ tự đi trên chính đôi chân của mình.
Điều em thích nhất về sự nỗ lực một thời gian dài khi có xuất phát điểm thấp chính là theo thời gian, mình sẽ tích lũy được rất nhiều vốn sống và năng lực chuyên môn. Cảm giác như chị luyện tập thể thao vậy, chị nỗ lực rèn luyện mỗi ngày, thì cơ thể sẽ có sức bền và sức khỏe tốt. Tương tự, khi mình cố gắng và vượt qua những khó khăn nhiều hơn người khác, mình sẽ rèn luyện cho mình những kinh nghiệm sống, những vốn sống mà các bạn hoàn cảnh tốt hơn sẽ không có. Những vốn sống đó nó trở thành một phần kỹ năng cốt lõi mà không ai có thể lấy đi của mình.”
Nếu ví von cuộc đời như một giải chạy marathon, những người sinh ra ở vạch đích thì cự li họ phải chạy sẽ ngắn hơn. Thế nhưng, đại đa số chúng ta đều sinh ra ở khá xa vạch đích, nghĩa là để đến đích, thay vì chỉ phải chạy fun run trên quãng đường 5km, chúng ta sẽ phải chạy 21km hay thậm chí là 42km. Đâu đó trên đường chạy, vì quá mệt có thể chúng ta sẽ bỏ cuộc, hoặc chơi ăn gian, hoặc lựa chọn những cự li ngắn dễ thở hơn, nhưng vẫn sẽ có những người dù cực khổ nhưng sẽ vẫn nỗ lực từng bước chạy về phía trước.
Không khó để hiểu rằng bỏ lại quá khứ sau lưng và tiến về phía trước là điều đúng đắn nên làm. Tiến bước là tiền đề của thay đổi. Nhưng để tiến bước thì chúng ta cần tạo cho mình một “vạch xuất phát mới”. Và theo tôi, chấp nhận bản thân chính là điều sẽ giúp chúng ta tìm ra được điểm khởi đầu mới của chính mình.
Mark Twain, nhà văn nổi tiếng người Mỹ, đã có câu nói thế này: “Chỉ có hai ngày quan trọng nhất trong đời này! Một là ngày bạn được sinh ra và hai là ngày bạn tìm được lý do tại sao mình được sinh ra.”
Thật may mắn nếu bạn đã xác định được điều bạn mong muốn cho cuộc đời bạn. Nhưng nếu bạn chưa, thì bạn có thể bắt đầu từ ngày hôm nay. Tự tạo ra cho mình một vạch xuất phát mới. Bất kể xuất thân, bất kể gia cảnh, hay trình độ, bạn là người nắm giữ cuộc đời của mình ngay từ thời điểm này.
Theo Bloombooks