Về cuốn Việt sử yếu của cụ Hoàng Cao Khải

Về thời gian biên soạn Việt Sử yếu, ta thấy ở cuối lời tựa do tác giả viết, ghi rõ là ngày rằm tháng chạp năm thứ 8 niên hiệu Duy Tân (tức là năm Giáp Dần 1914) và ký tên Thái Xuyên hưu tẩu tự làm bài tựa này. Vậy có thể vào năm 1914 hoặc sau đó ít năm, tác phẩm Việt Sử yêú đã ra đời (1).
Đọc Việt sử yếu, nếu xét riêng về phương pháp và quan điểm tiếp cận lịch sử Việt nam của tác giả, chúng tôi thấy có mấy điểm rất đáng nêu lên để suy ngẫm:

Rõ ràng là tác giả Việt Sử yếu có ý thức tìm kiếm một cách viết sử khác cách viết sử của các sử gia trước đó. (Nói theo cách nói ngày nay là tìm kiếm phương pháp tiếp cận mới).

Trong lời tựa viết cho Việt Sử yếu, Hoàng Cao Khải đã dành gần như toàn bộ nội dung của nó để phê phán sử học trước đó: nào là “không có tính sử”, về thời đại thượng cổ chỉ có “sử truyền văn”, về thời đại nội thuộc thì lại là “sử đạo tập”, về thời đại tự chủ chỉ có “hủ sử”, còn về thời kỳ hiện đại thì lại là “bí mật sử”.
Từ sự phê phán nghiêm khắc những hạn chế của phương pháp tiếp cận của các sử gia dưới thời phong kiến, một sự phê phán có phần hơi quá lời của Hoàng Cao Khải, người đọc có quyền trông đợi ở tác giả Việt Sử yếu những phương pháp và quan điểm tiếp cận mới mẻ hơn so với sử cũ. Và đúng là Hoàng Cao Khải đã có sự mới mẻ hơn.

Đặt dòng chảy của lịch sử vào trong các điều kiện về tự nhiên và con người Việt Nam để xem xét.

Trước khi đi vào các thời kỳ phát triển của lịch sử, Hoàng Cao Khải đã giới thiệu các nhân tố quan trọng góp phần quyết định đưa sự phát triển của lịch sử, cụ thể là ông đã dành cả cuốn thứ nhất (cả bộ sách có 3 cuốn) để nói về Địa thế, Địa lợi, Khí hậu, Nhân chủng của nước ta.

Các nhân tố mà Hoàng Cao Khải đưa lên trình bày ở đầu bộ sách của mình chính là những nhân tố khách quan, có sẵn, chính nó sẽ góp phần giải thích tiến trình của lịch sử Việt Nam đã diễn ra như thế này mà không như thế khác.

Thực ra, người đầu tiên có ý tưởng tiếp cận lịch sử Việt Nam theo cách này là Phan Bội Châu với Việt nam quốc sử khảo, được viết vào năm 1908 và xuất bản lần đầu tiên ở Nhật vào năm 1909. Sách gồm 10 chương, Phan Bội Châu đã dành chương thứ hai để viết về “Nhân chủng, nhân khẩu nước ta” và chương thứ ba để giới thiệu về “Địa lý sản vật nước ta”.

Đọc cả hai tác giả Phan Bội Châu và Hoàng Cao Khải, chúng ta thấy mỗi tác giả khai thác và nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau, nhưng xét dưới góc độ phương pháp tiếp cận thì cả hai đã không tiếp cận lịch sử Việt Nam như một dòng chảy riêng biệt, tách rời khỏi các nhân tố khách quan liên quan chặt chẽ với nó, nói theo cách nói ngày nay tức là tác giả này đã tiếp cận lịch sử Việt Nam bằng cách đặt nó trong các điều kiện, hoàn cảnh khách quan sẵn có. Tuy sự trình bày của Hoàng Cao Khải về các điều kiện và hoàn cảnh này chưa được đầy đủ, nhưng chính nhờ phương pháp tiếp cận này mà tác giả của nó có được tầm nhìn cao hơn so với các sử gia trước đó, vượt qua được hai chữ “mệnh trời” và có được một quan điểm duy vật về lịch sử.

Không tiếp cận lịch sử Việt Nam thông qua các triều đại mà theo các thời đại, thời kỳ tiến triển của lịch sử dân tộc.

Ở Đại Việt Sử ký toàn thư, chúng ta thấy Ngô Sĩ Liên và các tác giả đời Lê tiếp cận lịch sử Đại Việt thông qua các triều đại, dưới hình thức là các kỷ (Ví dụ: kỷ Hồng Bàng nhị, kỷ Nhà Triệu, kỷ thuộc Tây Hán, kỷ Trưng Nữ Vương… gọi là ngoại kỷ và các kỷ nhà Định, kỷ nhà Lê … gọi là bản kỷ).
Ở Khâm định Việt Sử thông giám cương mục, các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn đã tiếp cận Việt sử theo nguyên tắc biên niên và được chia thành các “quyền” (bao gồm 5 quyển tiền biên và 47 quyển chính biên), nhưng việc phân chia thành các quyền không phụ thuộc vào các triều đại.

Các tác giả Đại Nam thực lục chia sách thành hai phần: Tiền biên (thời các chúa Nguyễn), và Chính biên (thời các vua nhà Nguyễn), bên trong lại chia thành các quyển, các kỷ theo từng vị vua. Xét cho cùng, Đại Nam thực lục cũng tiếp cận lịch sử theo các triều vua.

Ở Việt Sử yếu Hoàng Cao Khải đã tiếp cận Việt sử thông qua các thời đại, tất cả có 4 thời đại (thời đại thượng cổ, thời đại nước ta nội thuộc Trung Quốc, thời đại nước ta tự chủ, thời đại văn minh tiến bộ của nước ta). Bốn thời đại này thể hiện sự tiến triển của lịch sử nước ta.

Thực ra Hoàng Cao Khải không phải là người đầu tiên tiếp cận lịch sử Việt Nam thông qua các thời đại kế tiếp nhau. Trước Hoàng Cao Khải trong Cours d’ Histoire Annamite, Trương Vĩnh Ký vào năm 1875, đã trình bày lịch sử nước Nam thành ba thời đại:

  • Thời đại thứ nhất: Từ 2874 cho đến khi chúa Jésus – christ sinh ra: temps reculés d l’ histoire d’ Annam (thời cổ xưa của lịch sử nước Nam).
  • Thời đại thứ hai: Từ đầu Công nguyên đến năm 966: période de transition: (thời kỳ chuyển tiếp) (giao thời).
  • Thời đại thứ ba: từ năm 968, bao gồm các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê và Nguyễn cho đến nay: temps modernes (thời văn minh).

Như thế, nếu nghĩ rằng Hoàng Cao Khải đã có tham khảo Trương Vĩnh Ký thì cũng phải nhận rằng đó là một sự tham khảo có sáng tạo.

Còn Việt Nam sử lược, khi trình bày lịch sử Việt Nam thành 5 thời đại:

  • Thượng cổ thời đại.
  • Bắc thuộc thời đại.
  • Thời đại tự chủ.
  • Thời đại Nam Bắc phân tranh.
  • Cận kim thời đại.
    Thì người đọc có quyền nghĩ rằng Trần Trọng Kim đã tham khảo của Trương Vĩnh Ký và Hoàng Cao Khải.

Mở rộng đối tượng tiếp cận, đi sâu vào những vấn đề chính yếu, lược bỏ những chuyện lặt vặt.

Theo Hoàng Cao Khải thì “Sử ký của ta lúc bấy giờ (thời nội thuộc phong kiến phương Bắc) chỉ đăng tải những việc như quan đô hộ nọ thuyên chuyển đi nơi khác, quan đô hộ kia đi làm công vụ ở nơi nào mà thôi”. “Những việc được ghi chép trong sử lúc ấy (Sử học dưới thời Trần) lại không ngoài mấy việc như lễ tế Giao, Lễ cúng thờ các nước, ngày sinh Hoàng đế, ngày Thái hậu từ trần… cho đến những ngày nhật thực, những lúc sao sa, những vụ động đất, những nơi núi lở, đều thấy ghi chép đầy cả sử sách. Còn nhưng vấn đề trọng yếu liên quan mật thiết đến quốc kế, dân sinh, thì lại không hề khảo cứu đến” (3).

Cho nên Hoàng Cao Khải có ý định mở rộng nội dung ghi chép, đi sâu hơn vào những vấn đề chính yếu, để bổ khuyết cho sử cũ. Sự thực là trong Việt Sử yếu, ta thấy đối với những nội dung và Hoàng Cao Khải cho là quan trọng, ông đã ghi chép thành những chương riêng, chẳng hạn như các chương:

  • Chương ghi “chép về nguồn gốc Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo được truyền sang nước ta”.
  • Chương chép về “chính trị triều Trần: quan chế, binh chế, thuế khoá, nhân đinh, hình luật, khoa cử”.
  • Chương chép “chuyện nhà Minh chiếm đoạt nước ta” (các chính sách đô hộ, bóc lột tàn ác của phong kiến nhà Minh).
  • Chương chép “Việc chính trị ở miền Nam và miền Bắc” (đúng ra là Đàng Trong và Đàng Ngoài).
  • Chương “ghi chép về các nhà làm sử thời Tiền Lê và Hậu Lê (đúng ra là Lê Sơ và Lê Trung hưng) (gồm các sử gia Phan Phu Tiên, Võ Quỳnh, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Ngô Sĩ Dương (đúng ra là Hồ Sĩ Dương), Nguyễn Hoàn, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Nghiêm, Ngô Thời Sĩ).
  • Chương “ghi chép những thuyền buôn của ngoại quốc qua lại nước ta trong thời kỳ nội thuộc”.
  • Chương “ghi chép những nước láng giềng đã cùng nước ta có mối liên lạc trong thời kỳ nội thuộc”.
    Kể ra tên mấy chương trên đây để ta thấy rõ nội dung ghi chép của Việt Sử yếu đã được mở rộng, đi sâu hơn vào những vấn đề chính yếu liên quan đến quốc kế, dân sinh (đặc biệt với Việt Sử yếu, giới sử gia lần đầu tiên được đề cập đến một cách có hệ thống).

Nhờ biết mở rộng đối tượng nghiên cứu nên Việt Sử yếu phản ánh được lịch sử dân tộc một cách phong phú và chân thực hơn cho dù rằng cũng chỉ mới thực hiện điều này được phần nào mà thôi.

Coi trọng việc viết về các nhân vật lịch sử:

Trong Việt Sử yếu, ngoài những phần nói về các bậc vua chúa, đã có những phần viết thành những chương riêng về các nhân vật lịch sử tiêu biểu, những danh nhân, chẳng hạn như các chương:

  • Chương “ghi chép những bậc nhân thần có danh dự về đời nhà Lý” (Lê Phụng Hiểu, Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành).
  • Chương “ghi chép các danh thần triều Trần” (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão).
  • Trong chương “ghi chép việc phục hưng nước ta của vua Thái Tổ nhà Lê” có phần ghi chép riêng về Lê Lai, Nguyễn Trãi.
  • Trong chương “ghi chép các nhà danh nho về đời Hậu Lê”, đã có ghi chép riêng về Nguyễn Bỉnh Khiêm.
  • Dành một chương “ghi chép các nhà y học đời Hậu Lê”, để ghi chép về Lê Hữu Trác.
    Rõ ràng là tác giả Việt Sử yếu đánh giá cao vai trò của các nhân vật lịch sử đối với sự phát triển của lịch sử và có ý thức trách nhiệm của người viết sử là phải ghi lại và phải đánh giá sự nghiệp của các nhân vật ấy cho muôn đời chon cháu mai sau. Quan điểm coi trọng việc ghi chép về các cá nhân nhân vật lịch sử là một quan điểm đúng đắn, tiến bộ và duy vật, bởi vì lịch sử thì đúng là do quần chúng nhân dân làm ra, nhưng bao giờ cũng thông qua các hành động cụ thể của các cá nhân nhân vật lịch sử cụ thể. Nhờ quan điểm này mà Việt sử yếu thêm sinh động và chân thực. Tiếc rằng những phần ghi chép này còn khá sơ sài do hạn chế về mặt tư liệu.

Lợi ích của đất nước làm tiêu chuẩn cao nhất cho mọi sự bình luận, phê phán.

Khi xem xét các sự kiện, các triều đại, các nhân vật lịch sử, Hoàng Cao Khải đã không lấy các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo làm tiêu chuẩn. Trái lại, ông đã đứng trên lập trường lợi ích của dân tộc để xem xét, để khen, chê.
Chẳng hạn như việc Lê Đại hành lập Đinh Hoàng hậu làm vợ mình, các sử gia thời như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên và các tác giả thời Lê trong Đại Việt Sử ký tiền biên, đã đứng trên lập trường Nho giáo để phê phán Lê Đại Hành một cách nghiêm khắc. Còn Hoàng Cao Khải lại đứng trên lập trường lợi ích dân tộc để biện minh cho Lê Đại Hành như sau: “… Nếu dựa vào luân lý quân thần mà buộc tội thì vua Lê không khỏi có chỗ khuyết điểm. Nhưng nước ta lúc bấy giờ, đương ở vào thời kỳ tự chủ non nớt, yếu kém, Đinh Toàn là một trẻ con, Dương Thị là một bà goá, thế mà nước lão đại đế quốc lại cứ lăm le muốn lấy thế lực để xâm lăng, đàn áp chúng ta. Nếu không có tay trí dũng đảm đang việc nước, thì chưa biết sự thế đương thời sẽ xoay chuyển như thế nào? Vậy thì tôi xin lấy một lời trung dung mà nói một cách bao quát rằng: Lê Đại Hành, đối với vua Đinh vốn là người có tội, mà đối với nước ta, thật là kẻ có công vậy” (4).
Hay là đánh giá sự nghiệp của các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Hoàng Cao Khải đã viết:
“Đến ba triều đại kể trên [Ngô, Đinh, Tiền Lê] thì đất đai mới thật là đất đai của ta, nhà cửa mới thật là nhà cửa của ta. Ba triều vua ấy đã hiên ngang làm chủ nhân của non sông đất nước này và lưu lại sản nghiệp cho con cháu đời sau thừa hưởng. Vậy chúng ta hãy kỷ niệm và sùng bái ba vị vua ấy. Tôi xin vin vào cái công gây dựng đất nước mà ca tụng những người yêu nước của chúng ta là: Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành” (5).
Thật rõ ràng là Hoàng Cao Khải đã lấy lợi ích của đất nước làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá, để khen chê các sự liện, các nhân vật lịch sử. Ở chỗ này, Hoàng Cao Khải đã tiến xa hơn nhiều so với các sử gia dưới thời phong kiến.

Bên cạnh quan điểm lấy lợi ích của đất nước làm tiêu chuẩn để xem xét đánh giá mọi sự, Hoàng Cao Khải còn theo đuổi một quan điểm khác cho rằng văn minh Việt Nam là nhờ văn minh Trung Hoa và văn minh Pháp mà có.

Trong lời tựa của Việt Sử yếu, Hoàng Cao Khải đã viết:

“Người nước ta ngày xưa được giáo hoá là do người Trung Quốc. Còn nước ta ngày nay thì lại do nước Pháp mà tiến tới văn minh. Vả chăng cạnh tranh là bước thang tiến hoá, cho nên học giới ngày nay nên lấy nước Pháp làm thầy hướng đạo” (6).
Thế là Hoàng Cao Khải đã dựa vào quan điểm này để bào chữa cho lập trường và thái độ chính trị cộng tác chặt chẽ với thực dân Pháp của mình. Thế còn nỗi tủi nhục, tình cảnh vô cùng thảm thương của đất nước, của dân tộc dưới ách nô lệ của phong kiến ngoại bang và của đế quốc thực dân thì sao? Quan điểm lạc lõng này của Hoàng Cao Khải đã làm cho Việt Sử yếu mất đi phần lớn giá trị của nó.
Trong bối cảnh là nền sử học cổ truyền đã không còn thích hợp, mà nền sử học mới còn chưa được định hình, Việt Sử yếu với các phương pháp và quan điểm tiếp cận lịch sử Việt nam có ít nhiều điểm mới mẻ, tích cực có và hạn chế cũng có, những xét trên đại thể, nó vẫn là một bước đi đầu tiên, có ảnh hưởng không nhỏ đến nền sử học nước ta hồi nửa đầu thế kỷ XX.
Chú thích

(1) Hoàng Cao Khải (1850 – 1933) quê ở làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hiệu là Thái Xuyên. Đậu cử nhân dưới thời Tự Đức (1868), làm huấn đạo huyện Thọ Xương. Sau đó là tri huyện Thọ Xương, rồi án sát Lạng Sơn, rồi quyền tuần phủ Hưng Yên, rồi quyền tổng đốc Hải Dương. Do có công đàn áp nghĩa quân chống Pháp, Hoàng Cao Khải được thăng chức Khâm sai kinh lược Bắc kỳ.

Theo lệnh Pháp, Hoàng cao Khải viết thư chiêu dụ Phan Đinh Phùng nhưng bị Phan Đình Phùng cự tuyệt.

Sau khi chức Khâm sai kinh lược Bắc kỳ bị huỷ bỏ (1897), Hoàng Cao Khải được triệu về Huế làm Thượng thư Bộ binh, làm phục trách đại thần triều Thành Thái, được phong làm thái tử, thái phó, văn minh điện đại học sĩ, tước Duyên Mậu Quận công. Sau về hưu trí, ngụ ở ấp Thái Hà (Hà Nội).

(2) Vào năm 1970, sách Việt Sử yếu đã được Uỷ ban dịch thuật Phủ Quốc vụ Khanh Đặc trách Văn hoá (Sài Gòn) tổ chức dịch ra chữ Quốc ngữ và xuất bản năm 1971. (Bản dịch của Hồng Liên, Lê Xuân Giáo).

(3) Hoàng Cao Khải, Việt Sử yếu, Phủ Quốc Vụ Khanh xuất bản 1971, Bản dịch của Hồng Liên, Lê Xuân Giáo, tr 14, 15).

(4) Hoàng Cao Khải, Sđd, tr 141.

(5) Hoàng Cao Khải, Sđd, tr 142.

(6) Hoàng Cao Khải, Sđd, tr 21.

Tác giả bài viết: Đặng Đức Thi, Xưa & Nay, số 290, 8 – 2007,
———————-
St

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *