Bạn có đồng ý rằng, bực bội chính là một cảm giác không hề dễ chịu chút nào không?
Một khi cơn giận bùng lên, chúng ta sẽ bắt đầu có những suy nghĩ như “Động vào việc gì cũng thấy bực”, “Chẳng ra đâu vào đâu cả”. Không những thế, việc chúng ta trút cơn giận lên những người vô tội thường sẽ dẫn tới một kết quả đáng buồn, đó là khi cơn giận qua đi, chúng ta sẽ cảm thấy hối hận và tự trách chính mình.
Bản chất của nỗi buồn ấy xuất phát từ việc chúng ta không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân, dù thực chất chúng ta không hề muốn hành xử như vậy. Vậy, cảm xúc giận dữ sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Đối với nhiều người, nóng giận đồng nghĩa với việc chúng ta đang “thiếu khả năng tự kiềm chế” hay “tính cách chưa chín chắn”, nhưng đó thực chất chỉ là một kiểu đánh giá nhằm hạ thấp người khác mà thôi. Ý nghĩa thật sự của cơn nóng giận là dấu hiệu cho thấy người đó “đang bị đặt vào tình thế khó xử”. Chẳng hạn như khi mọi chuyện không diễn ra theo chiều hướng chúng ta mong muốn, trở nên khác xa so với dự tính ban đầu, việc chúng ta nảy sinh sự bực dọc là điều vô cùng hiển nhiên.
Những khi nóng giận, hãy thử dịu dàng với chính mình bạn nhé
Khi chúng ta bực tức, đồng nghĩa với việc chúng ta đang ở trong trạng thái bế tắc, khó xử với một chuyện gì đó mà ta không biết phải giải tỏa thế nào, chỉ cần nhận thức được điều ấy thôi, ắt hẳn chúng ta sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn rất nhiều. Lý do vì sao tôi nói thế ư? Bởi tất cả chúng ta không ai muốn trở thành một người dễ nổi nóng ngay cả với những điều cực kỳ nhỏ nhặt cả. Bằng chứng là chúng ta rất hay bị dằn vặt bởi những suy nghĩ về bản thân, sau khi trót thể hiện ra một mặt khác hẳn với tính cách vốn có của mình, chẳng hạn như “Tại sao có mỗi chuyện ấy mà mình cũng không thể cho qua được nhỉ?”, “Sao mình lại thiếu chín chắn như vậy chứ?”, “Mình là người hẹp hòi đến thế ư?”. Nếu cứ mãi bứt rứt vì những suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ rất khó chuyển đổi được cảm xúc, từ đấy kéo theo những việc không như ý cũng ngày càng tăng thêm.
Trước tiên, nếu cảm thấy tức giận khi mọi chuyện không diễn ra như mong muốn của bạn, hãy cố gắng nhẹ nhàng trấn an bản thân trong lúc gặp khó khăn, đồng thời nhận thức một điều rằng “mình chỉ đang quá bối rối thôi mà”. Chỉ vậy thôi cũng đã là bước đầu tiên trong việc điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân rồi đấy. Trên thực tế, mỗi khi nổi nóng, chúng ta thường khó tránh khỏi việc cảm thấy bức bối, không biết làm thế nào để có thể bình tĩnh trở lại. Ở mục tiếp theo, tôi sẽ đưa ra những ví dụ nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề và cùng nhau suy ngẫm nhé.
-Trích Sách tâm lý dành cho người nhạy cảm
“SÁCH TÂM LÝ DÀNH CHO NGƯỜI NHẠY CẢM” – CUỐN SÁCH GIÚP BẠN VƯỢT QUA VÒNG XOÁY BẾ TẮC VÀ NGỪNG BẬN TÂM VỀ NHỮNG ĐIỀU VỤN VẶT