Con người hiện đại cô đơn đến mức nào?

limreading.wordpress.com

Chao đảo. Lạc lõng. Vụn Vỡ.

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình không thuộc về bất cứ nơi nào, không biết đi đâu và không ai đợi mình? Ít nhiều con người hiện đại đang cảm thấy cô đơn, một nỗi cô đơn bám riết quẩn quanh. Chúng ta sống trong một thế giới với vô vàn kết nối, nhưng lại cảm thấy những đứt gãy không cách nào hàn gắn lại. Đó cũng là những gì cô gái mười chín tuổi Cọng Cọng trong tiểu thuyết đầu tay “Em chỉ nói những điều họ muốn” của Miao cảm nhận được. Cuốn sách chỉ hơn 300 trang ấy đã tái hiện dữ dội mà đắng đót về thế giới mà chúng ta đang sống, hay đúng hơn là đang chống chọi mỗi ngày.

Sự cô đơn từ những đứt gãy không thể hàn gắn…

Cọng Cọng mồ côi mẹ từ khi mới lọt lòng, bố cô mất khi cô ba tuổi. Cô chật vật sống với cô chú của mình và người ông nát rượu đầy bạo lực. Cọng Cọng phải chịu đựng bất hạnh, đau đớn và hỗn độn ngay khi là một đứa trẻ. Cô lớn lên mà hiểu rằng “mỗi người đều mang nỗi đau và một cái mặt nạ để che giấu vết sẹo đó”. Nếu gia đình là điểm tựa và ươm những tốt lành trong con người thì Cọng Cọng không có điều này.

Đáng thương hơn cả, cô đốt cháy mình trong những mối quan hệ với những người cô yêu, Nhà Thơ, Kem hay Cá Biển. Cô yêu một ai đó đến cuồng dại và khiến họ ngạt thở vì nỗi sợ bị bỏ rơi. Cô tin tưởng việc yêu một ai đó và được yêu sẽ hàn gắn cô với thế giới.

Nhưng điều đó không thể giúp gì được cho Cọng Cọng bởi cô biết rằng điều ngăn cô hòa hợp với thế giới lại chính là vì cô chưa từng kết nối với chính mình.

Việc cô làm chỉ là trốn chạy cảm xúc thật của mình và cố hủy hoại bằng cách rạch tay. Những vết sẹo ở cổ tay, trải dài khắp đùi như cách cô giao tiếp với thế giới, cảm nhận mình đang sống và biết mình đau vì điều gì. Dường như thổn thức trong cô gái nhỏ ấy là sự dồn nén, sự sợ hãi phải chấp nhận và thừa nhận rằng mình là một gánh nặng của người cô, là một kẻ đeo bám người cô yêu, là một kẻ thừa thãi trong thế giới này.

Cô đang sống với tất cả những đứt gãy không thể hàn gắn, cô và thế giới không thể hòa giải, không cách nào…

Sự cô đơn từ cơn cuồng nộ của đám đông

“Thế giới không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm cho sự tổn thương của bạn.”

Miao đã viết những dòng đề từ như thế cho cuốn sách của mình, bởi cô hiểu rõ bản chất của thế giới mình đang sống – thế giới trao cho đám đông một quyền năng khủng khiếp – vô danh. Sự vô danh khiến đám đông sẵn sàng làm nhục bất kỳ ai, tấn công và chà đạp lên những gì nó muốn mà không mảy may quan tâm tới trách nhiệm. Đám đông vô can, đám đông không có nghĩa vụ phải thấu hiểu, trớ trêu thay lại đám đông ấy còn có một thứ vũ khí tối tân – chiếc smartphone kết nối internet. Đám đông vô danh ấy giờ đây là cộng đồng mạng tự cho mình quyền kết tội và lập lại công bằng cho xã hội để thỏa mãn khoái cảm phán xét.

Không may, Cọng Cọng đã phải hứng chịu tất cả sự tàn nhẫn của đám đông cuồng nộ ấy.

Giận dữ, thù hằn, khinh miệt, những kẻ từng tiếp xúc với Cọng Cọng – bạn cũ, người yêu cũ, bạn cùng phòng, lần lượt từng người một hắt hủi và buộc tội một cô gái không thể tự vệ. Song đáng sợ hơn là cộng đồng mạng, một đám đông xa lạ đói khát những tin tức giật gân háo hức cào xé và khao khát lột trần bản chất con người Cọng Cọng chỉ để bình luận một câu vô thưởng vô phạt nào đó trên mạng, chỉ để tỏ ra đạo đức hay đơn giản là có một câu chuyện phiếm khi uống trà đá với bạn bè.

Cô gái mười chín tuổi xinh xắn, đáng yêu với đời tư phức tạp khổ sở từ việc cố gắng quẫy đạp trước sự hiếu kỳ của đám đông lăm lăm chiếc smartphone trong tay hóng thị phi cho tới việc đáp trả đám đông đó bằng cách bạo liệt nhất – tự làm đau chính mình. Cọng Cọng nói tất cả những gì đám đông kia muốn, làm những gì họ mong chờ và như Tro nói “Có những người làm trò để sống còn em sống để làm trò…”

Sau cùng, Cọng Cọng nhận ra cả cô và những kẻ làm tổn thương cô đều đang chịu đựng, đang tranh đấu mỗi ngày để sống. Không trừ một ai. Họ cũng như cô, đang sống và đôi khi là phải sống.

Con người hiện đại thực sự rất cô đơn. Song không hẳn chỉ vì chiếc điện thoại họ cầm trên tay, không phải vì guồng quay tất bật của cuộc sống. Hơn hết, bởi chúng ta quên mất rằng chúng ta không phải chỉ có thể nói những gì người khác muốn mà còn có thể nói những điều ta muốn. Chúng ta xứng đáng được chấp nhận, được thấu hiểu. Con người, ở đời này dù sớm hay muộn vẫn cần đến nhau, như “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” (Trịnh Công Sơn)

limreading.wordpress.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *