Phụ nữ sống vì con hay vì chính mình?
Sáng nay, cô bạn gửi vào nhóm “bà tám” của chúng tôi một bài viết với nội dung chính là “Chờ con thi đại học xong sẽ ly hôn” và hỏi rằng: Tại sao phụ nữ lại phải chịu đựng như vậy, tại sao không ly hôn luôn nếu thấy không ở được nữa mà phải chịu đựng suốt 10 năm, sao không sống vì mình, con cái sống trong gia đình như thế nó có hạnh phúc không?
Đương nhiên, nghe là các bạn cũng đoán được cô ấy chưa lập gia đình và chưa có con. Thế là một cuộc tranh luận nảy lửa nổ ra chia 2 phe: Phe đã có gia đình và phe độc thân, và đến giờ vẫn chưa có hồi kết vì mỗi người đều có lý do riêng của họ.
Với tư cách là một phụ nữ đã có 2 đứa con, tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói trên của Sophia Loren. Rất nhiều bạn bè của tôi cũng đã chia sẻ rằng: Khi chưa có con, trong nhà chồng là số 2, họ là số 1, nhưng đến khi có con rồi chồng ngay lập tức bị tụt hạng, con với họ lúc này mới là tất cả và ngay lập tức được leo lên vị trí số 1 vô điều kiện, đương nhiên chồng sẽ xuống vị trí số 3.
Khi bạn là một người mẹ, bạn không bao giờ thực sự cô độc trong suy nghĩ của mình. Một người mẹ luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho bản thân và một lần cho con cái
Sự quan tâm của phụ nữ dành cho chồng lúc này đã giảm đi rất nhiều, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong một số gia đình nếu người chồng không hiểu và thông cảm cho vợ. Và cũng đừng ông chồng nào dại dột mà đi ganh tỵ với con, đừng than trách rằng, em lúc nào cũng chỉ biết có mỗi con không thèm nhòm ngó đến chồng. Ơ kìa, con là của chung, sao anh không cùng vợ chăm con quan tâm con để cùng vun vén gia đình?
Người ta có câu: “Phụ nữ khôn tìm bình yên bên con cái, đừng dại dột mong cầu hạnh phúc từ chồng” cũng không sai. Dì của tôi, gia đình cũng bắt đầu lục đục từ khi dì đẻ liên tiếp 2 đứa trong 5 năm. Dì buộc phải nghỉ làm ở nhà chăm con, và khi ở nhà có nghĩa mọi chi tiêu đều phải “ngửa tay” xin chồng. Mà mỗi lần xin là chồng cằn nhằn, kêu tại sao tiêu tốn thế, phải biết tiết kiệm, cô không thương tôi đi kiếm tiền vất vả sao?
Thậm chí còn đòi gắn camera trong nhà, vì “cô ở nhà sướng quá phải không, tôi phải xem cô ở nhà làm gì mà lúc nào cũng than bận”. Dì chịu đựng hết, không nói tiếng nào. Có lần con ốm, gọi cho chồng nhưng anh bảo đang bận, cô tự đưa con đi viện đi. Dì cúp máy không nói tiếng nào, và từ sau đó, mọi việc dì tự làm tự gánh vác không bao giờ mở miệng nhờ chồng. Rồi cũng đến ngày 2 đứa trẻ có thể đi học, dì bắt đầu quay trở lại với công việc, dì tự kiếm tiền và tiêu tiền của chính mình, hàng tháng yêu cầu chồng đưa một số tiền lo cho 2 con.
Tôi từng hỏi, sao dì không ly hôn đi, sống như vậy có khác gì mẹ đơn thân đâu. Dì thở dài, 2 đứa trẻ còn nhỏ, dì không muốn chúng bị tổn thương khi bố mẹ ly hôn. Thế rồi, bẵng đi nhiều năm, dì cũng ly hôn ở tuổi gần ngũ tuần, gọi điện cho tôi mà giọng dì đầy phấn khởi, dì bảo từ nay sẽ sống cho chính mình, vì 2 đứa con đã trưởng thành và đã có thể tự lo cho cuộc sống của chúng. Từ nay dì sẽ sống cho chính mình, làm điều mình thích, tự do và hạnh phúc.
Vì con, dì phải chịu đựng suốt hơn 10 năm trời để rồi ly hôn ở độ tuổi này, độ tuổi mà người ta hay bảo nhau “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Vì con phụ nữ hoàn toàn có thể hy sinh mọi thứ của bản thân, thậm chí kể cả là niềm vui, hạnh phúc, thậm chí là tính mạng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết sống cho bản thân mình, chỉ là chưa đến thời điểm thích hợp.
Hơn nữa, những lựa chọn của dì trong thời kỳ hôn nhân cũng cho thấy dì đã cùng lúc sống vì mình và vì con, vì mình nên dì tự chủ mọi thứ, dì không bi lụy, không dựa dẫm vào ai. Tôi tin dì cũng đã có thời gian sống vui vẻ, ly hôn chỉ là dì không phải sống chung nhà với người đàn ông nào khác thôi.
Ngẫm lại bản thân, tôi cũng đang sống vì con, nhưng nếu có khả năng độc lập tài chính và người chồng không còn hòa hợp thì tôi vẫn có thể sẽ nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng đó là nói, còn thực tế cũng có thể tôi sẽ khác.
Xét đến cùng, phụ nữ sống vì con cũng là vì chính mình. Con cái trưởng thành, thành công hạnh phúc cũng chính là gia tài lớn nhất của phụ nữ. Nơi họ có thể tìm bình yên khi xế chiều.
Đàn ông sống vì cái gì và yêu cái gì hơn?
Hà Nội một ngày đầu đông se lạnh. Bên tách trà nóng, là hai người đàn ông đã qua thời thanh niên sắp bước vào trung niên.
“Cậu giờ có thể thành công hơn tôi, nhưng chắc gì đây đã là một cuộc đời đáng sống. Cậu tự do, cậu bay nhảy, nhưng bỏ lại phía sau một người phụ nữ. Tớ tin cô ấy sẽ sống tốt, và cậu bận bịu như thế, thì cô ấy càng phải mạnh mẽ khi nuôi thằng con trai của cậu, dù cậu vẫn là bố nó”.
“Đời sống hôn nhân mà, ông không hiểu được đâu, có những cái khi về sống với nhau rồi không hợp nhau… Dù sao thì ông cũng hơn tôi khi giữ gìn được hạnh phúc gia đình mình”.
“Chẳng có cái gì hợp với không hợp cả, tôi nghĩ cứ như ông, thì chẳng ai có thể hạnh phúc được khi sống với ông cả. Vì sao, vì cái mà ông yêu nhất, là bản thân ông, chứ không phải cái gì khác cả. Đời ông, mục tiêu cao nhất là sống cho mình. Còn với tôi, từ khi tôi nắm tay cô ấy, cho đến ngày tôi lần đầu bế đứa con tôi trên tay, tôi đã xác định, cuộc đời này, tôi không còn sống cho cái bản thân tôi nữa. Cái lúc tôi sống cho tôi, là lúc mình còn trai trẻ độc thân”…
Sinh ra làm đàn ông, đàn ông hãy bị mặc định phải là thằng đầu đội trời chân đạp đất, phải sống một cái cuộc đời hoành tráng.
Thế nên khái niệm “cuộc đời”, khái niệm hạnh phúc của đàn ông rất khác với phụ nữ. Với phụ nữ, hạnh phúc đôi khi nhỏ nhỏ, bé bé thôi, một cái váy, một thỏi son, một tia nắng đẹp, một lời nhắn “em ngủ ngon nhé”, rồi sau đó chỉ mơ về ngôi nhà đầm ấm, bình yên bên cánh cửa, với nụ cười và lời nói “yêu mẹ” của con.
Còn bọn đàn ông, chúng… thích đủ thứ. Phải bay nhảy ngoài kia biển rộng trời cao, phải đứng trên trăm thằng nhìn lên, phải cưỡi sóng đạp gió. Và từ đó, không ít đàn ông, thích sống một cuộc đời hoành tráng, cho mình.
Rồi, vấn đề là đến khi đàn ông gặp đàn bà, họ có dung hòa được những cái ấy với nhau không. Lúc yêu, là hạnh phúc đôi ta. Lúc cưới rồi, thì mấu chốt hạnh phúc của đàn bà, đôi khi lại nằm ở chỗ đàn ông lúc ấy sống vì cái gì, yêu cái gì hơn.
“Từ khi tôi nắm tay cô ấy, cho đến ngày tôi lần đầu bế đứa con tôi trên tay, tôi đã xác định, cuộc đời này, tôi không còn sống cho cái bản thân tôi nữa…
Tôi xác định rằng, cuộc sống của tôi bây giờ, là cho vợ, cho con. Cô ấy đã yêu tôi, bằng tất cả thanh xuân và tâm hồn cô ấy. Cô ấy đã xác định nắm tay tôi, để kiếm tìm và xây dựng hạnh phúc. Khi vợ tôi, con tôi cảm thấy hạnh phúc, thì nghĩa là tôi hạnh phúc.
Ngày hôm nay, có thể tôi bỏ một cuộc nhậu, về nhà nấu cùng vợ bữa tối, ăn cơm cùng vợ con, rồi ngồi vẽ cùng con gái tôi, tôi chỉ cần những niềm vui như thế.
Còn ông, lúc ông khoe thành tích ở giải đánh golf, cũng là lúc vợ ông online hỏi con bị ốm như thế này thì tìm bác sĩ ở đâu. Đời người ta không sống bằng những cái like ông ạ.
Đàn ông khi quay lưng ra đi, trước mặt vẫn biển rộng trời cao. Phụ nữ cũng thế nhưng thanh xuân giờ đã không còn mà còn thêm con, thêm cái và cái danh đã qua một đời chồng. Và để kiếm tìm cho mình một hạnh phúc mới sau ngần ấy đèo bòng, chẳng dễ dàng.
Vậy đàn ông sống vì cái gì và yêu cái gì hơn? Câu trả lời là tuỳ người. Thế giới hơn 8 tỉ người, mỗi người mỗi tính cách, đàn ông cũng vậy. Có người sẽ lựa chọn sống vì để đạt được tham vọng về sự nghiệp công danh, có người tham vọng của họ là mái nhà ấm cho người phụ nữ và những đứa con của mình.
Là người phụ nữ, gặp được người yêu bạn hơn chính bản thân anh ta, nụ cười của bạn là hạnh phúc của anh ta, tình yêu của anh ta dành cho bạn đủ lớn, lớn hơn cái tình yêu dành cho chính bản thân mình, thì xin chúc mừng bạn.
Yên tâm, loại đàn ông ấy, vẫn đầy ra ấy. Chẳng dễ nhưng tìm đi rồi sẽ có, giống như cánh cửa, gõ mãi, cũng sẽ có cánh mở.
Còn nếu gặp người đàn ông yêu mình và công việc hơn bất cứ thứ gì? Câu trả lời lại nằm ở chính những người đàn bà, xem họ thực sự muốn phần tiếp theo của cuộc đời mình sống thế nào?!
“NHẬN DIỆN” VAI TRÒ NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG GIA ĐÌNH HIỆN ĐẠI
Với nhịp sống hiện đại như ngày nay thì ngày càng nhiều cặp vợ chồng tan vỡ vì không còn tìm được tiếng nói chung. Để đi đến được hôn nhân là một điều dễ dàng nhưng việc duy trì xây dựng hạnh phúc gia đình mới thật sự là một chặng đường dài mà mỗi cặp vợ chồng đều cùng phải chung tay góp sức. Vậy vai trò của người chồng trong hành trình giữ lửa cho tổ ấm gia đình mình là gì?
Theo một số nghiên cứu, hạnh phúc gia đình được xây dựng dựa trên 3 nền tảng cơ bản: phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành và tạo dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng. Trong 3 yếu tố này, vai trò của người đàn ông cực kỳ quan trọng. Mặc dù hiện nay người phụ nữ đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế của gia đình, nhưng người đàn ông vẫn còn là trụ cột kinh tế, bởi họ có thế mạnh về sức khỏe, được giải phóng về thời gian… nên triết lý “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, người đàn ông cũng luôn có ảnh hưởng lớn đến việc nuôi dạy con cái. Ông bà ta có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nhưng thực chất nhiều nghiên cứu cho thấy: hầu hết con cái đều gắn với cha nhiều hơn mẹ và chúng thường coi cha là hình mẫu để noi theo. Riêng đối với yếu tố xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng thì người đàn ông luôn là đầu mối gắn kết gia đình nhỏ của mình với dòng tộc, các tổ chức đoàn thể, xã hội, tổ chức nghề nghiệp…
Ngoài 3 yếu tố ấy, trong xã hội hiện đại, người đàn ông còn giữ một số vai trò mới như: có chức năng tư vấn, làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình (vì họ được xem là phái mạnh)… Đặc biệt, như đã nói trên đây, người chồng còn phải cùng vợ lo việc “đối nội”, đối ngoại…
Thật ra, với vai trò đó của người đàn ông thì người phụ nữ càng khẳng định mình hơn. Bởi lẽ, khi người chồng chia sẻ công việc với người vợ thì người vợ sẽ phải cố gắng lao động, sáng tạo nhiều hơn. Nếu như ngày trước hai người sống chung một mái nhà lại theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, thì ngày nay họ đã cùng hướng về một mục tiêu, nên vai trò của cả hai không những không mờ nhạt mà càng được tô đậm thêm, và kết quả cuối cùng là có một gia đình hạnh phúc.
Dù người phụ nữ đóng vai trò chính nhưng để duy trì ngọn lửa hạnh phúc gia đình, người chồng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Sống đạo đức và trách nhiệm là những gì mà người chồng nên làm đồi với gia đình mình.
Dù thời nào, người đàn ông vẫn là trụ cột gia đình, là nơi để vợ con dựa vào “con không cha như nhà không nóc”.
Người đàn ông vẫn giữ trách nhiệm chính trong việc làm kinh tế, đảm bảo cuộc sống vật chất của gia đình.
Chia sẻ với những người phụ nữ việc nhà, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, người đàn ông trong gia đình còn có trách nhiệm giáo dục, nuôi dạy con cháu. Dạy con cháu những điều hay lẽ phải, những kiến thức, kỹ năng sống. Bản thân họ cũng là tấm gương cho con cháu trong nhà noi theo. Xã hội càng phát triển hiện đại thì vai trò của người ông, người cha, người anh càng quan trọng hơn. Nghiên cứu khoa học chứng minh là cha càng chơi nhiều với con thì con sẽ càng thông minh, tự tin và mạnh mẽ hơn. Đây có lẽ là điểm khác biệt tiến bộ nhất so với thời trước khi mà trách nhiệm nuôi dạy con hoàn toàn thuộc về người phụ nữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Những người đàn ông lớn tuổi còn có vai trò là “người phán xử”, hòa giải những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc và cả hàng xóm láng giềng. Họ chính là nhân tố quan trọng để tăng cường các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình.
Nam giới còn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, dân số kế hoạch hóa gia đình…
Nam giới còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, chia sẻ với vợ con những tâm tư tình cảm, những nỗi lo toan phiền muộn của cuộc sống; cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Để xây dựng hạnh phúc gia đình, trách nhiệm của người chồng cũng cần được thể hiện và gắn với những việc làm cụ thể sau:
– Thứ nhất là trách nhiệm trong nuôi dạy con cái. Là một người cha, bạn nên sống tốt, cố gắng trao dồi kinh nghiệm bản thân để là tấm gương cho con cái noi theo. Hãy từ bỏ thói quen xấu của mình như chửi thề, hút thuốc lá, uống rượu, nếu như bạn không muốn con mình cũng bắt chước theo.
– Thứ hai là trách nhiệm đối với công việc nhà. Người đàn ông cũng phải nấu cơm, rửa bát, lau nhà… khi vợ bận việc. Tuy nhiên, người đàn ông không nên đi quá sâu vào việc bếp núc, nên biết giới hạn của mình trong việc nội trợ, đừng đếm củ dưa hành, đo lọ nước mắm. Cũng như thế, việc cho con tiền, mua sắm đồ đạc quần áo sách vở cho con nên được giao cho người mẹ. Người bố chỉ nên mua sắm cho con trong những dịp đặc biệt và những món đồ đặc biệt.
– Thứ ba là trách nhiệm với bên ngoại, sống tốt với bố mẹ và anh chị em nhà vợ.
– Thứ tư là trách nhiệm học hành, nâng cao tri thức, nâng cao kiến thức chuyên môn.
Trong chuyện “tình cảm” vợ chồng, điều quan trọng nhất là người đàn ông phải biết tôn trọng vợ.
Nguồn:
https://kinhtedothi.vn/phu-nu-song-vi-con-hay-vi-chinh-minh.html
https://2dep.vn/mau-chot-cua-hanh-phuc-dan-ba-dan-ong-song-vi-cai-gi-va-yeu-cai-gi-hon-017194.html
http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/nhan-dien-vai-tro-nguoi-dan-ong-trong-gia-dinh-hien-dai/