Đền An Lá là nơi thờ tướng nhà Đinh Nguyễn Tấn trên vùng đất do ông gây dựng lên. Vì là thành hoàng làng nên nơi thờ ông còn gọi là Đền Cả tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 3.000m2, thuộc thôn An Lá, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định khoảng 4 km về phía Nam. Đền An Lá được xây dựng ngay sau khi Nguyễn Tấn qua đời. Ban đầu di tích chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đến thời Hậu Lê được mở rộng như ngày nay. Lễ hội Đền An Lá, là một trong những lễ hội lớn của huyện Nam Trực. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ mùng 9 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Theo thần phả và truyền thuyết ở địa phương thì Nguyễn Tấn là đời thứ 5 sống trên mảnh đất này. Ông tổ quê chính ở xã Hoàng Lão, huyện Thiên Bản (Vụ Bản) đã đi về sinh sống ở quê ngoại là trại An Lá. Bố ông là cụ Nguyễn Tần, mẹ là cụ Mai Thị Xảo.
Nguyễn Tấn sinh ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Dần (942) tại trại Âu Hoá nay là xã Nghĩa An huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông đã có tư chất thông minh, lại chăm chỉ luyện tập võ nghệ. Năm 966, đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, Nguyễn Tấn đứng ra chiêu mộ được vài trăm trai tráng, thường xuyên luyện tập võ nghệ, đóng quân ngay tại quê hương. Nhờ có đội quân này mà cả một vùng dân cư được yên ổn làm ăn.
An Lá xưa vốn là vùng đất hoang hóa thuộc huyện Thuận Vi, người dân ở trại Âu Hóa (nay là vùng Xích Thổ huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình) về đây lập ấp nên cũng đặt tên là trại Âu Hóa. Tương truyền, khi tướng Nguyễn Tấn và Nguyễn Bặc họp quân ăn mừng, quân lính đông, phải ăn bằng lá thay bát nên nhân dân còn gọi là “trại Ăn Lá”, sau đọc chệch thành “trại An Lá”.
Theo Wikipedia
Bài viết gốc: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_T%E1%BA%A5n_(t%C6%B0%E1%BB%9Bng_nh%C3%A0_%C4%90inh)