Nhiên Đăng Cổ Phật (tiếng Phạn là Dipankara hay Dipanikara) là vị Phật thứ tư trong danh sách 28 vị Phật. Nhiên – một từ Hán-Việt – nghĩa đốt cháy, Đăng là cây đèn. Nhiên Đăng Cổ Phật cũng có khi được gọi Nhiên Đăng Phật (燃燈仏), Đính Quang Phật (錠光, “Đính” là cái chân đèn).
Trong Đại trí độ luận, đức Nhiên Đăng Cổ Phật khi đản sinh, chung quanh thân sáng như đèn, cho nên gọi là Nhiên Đăng Thái tử. Khi thành Phật cũng gọi là Nhiên Đăng, xưa gọi tên là Đính Quang Phật. Ở các chùa Việt Nam và Trung Quốc, Nhiên Đăng Cổ Phật thường được thờ chung với Phật Thích-ca Mâu-ni và Phật Di-lặc trong bộ tượng Tam thế Phật, nghĩa là các vị Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai (trong đó Phật Nhiên Đăng đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích-ca là vị Phật thời hiện tại và Phật Di-lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai).
Nhiên Ðăng Cổ Phật từng sống cách thời đại chúng ta 4 a tăng kì kiếp trái đất (A tăng kỳ nghĩa là nhiều đến mức “bất khả tư nghị”, không thể tưởng tượng hoặc đếm được). Ðức Phật này là vị đầu tiên trong số 24 vị Phật đã thọ ký cho các tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Kinh Phật ghi rằng dưới thời Nhiên Ðăng Cổ Phật thì lúc đó đức Thích-ca là một vị Bà-la-môn vô cùng giàu có đã phân phát hết tài sản của mình và quy ẩn, có tên là Thiện Huệ (s: Sumedha). Với túc mạng thông, Nhiên Ðăng Cổ Phật nhận ra Thiện Huệ sau vô số kiếp luân hồi sẽ trở thành Phật dưới tên Cồ-đàm (Gautama) và thọ ký cho Thiện Huệ. Phật Nhiên Ðăng được xem là vị Phật quan trọng nhất trong các vị trước Thích-ca. Ngài là vị đại diện cho Phật quá khứ tương tự như trường hợp Di-lặc được xem là đại diện cho Phật vị lai.
Theo Wikipedia
Theo truyền thuyết, thân Phật Nhiên Ðăng cao “80 trượng”, giáo hóa 84.000 vị A-la-hán, Ngài sống 100.000 năm. Tháp đựng xá-lị Phật Nhiên Ðăng cao 36 do-tuần (15–20 km).