Phật giáo sơ khởi là duy lý và có tính vô thần

Phật giáo sơ khởi là duy lý và có tính vô thần, hướng con người đến nhận thức chân lý, hay còn gọi là tỉnh thức, giác ngộ. Phật nguyên tiếng Phạn là Buddha, Bud là giác (biết, nhận thức), dha là người – nghĩa là người hiểu biết. Đức Phật là một vị nhân vật lịch sử có thật tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm (625 – 545 TCN) và theo Phật giáo Nam tông thì ông đã dùng 45 năm cuộc đời (còn theo Phật giáo Bắc tông là 49 năm cuộc đời) để đi khắp miền bắc Ấn Độ để truyền bá triết lý. Mặc dù vậy, theo ý niệm nguyên thủy của Phật giáo, Phật là một con người đã giác ngộ nghĩa là đã đạt được sự nhận thức đúng đắn về bản ngã và thế giới xung quanh nên đã được giải thoát. Ai cũng có thể trở thành Phật nếu người đó tự sử dụng trí tuệ của mình để nhận thức đúng đắn bản ngã và thế giới xung quanh do đó được giải thoát. Khi đã vượt qua sự vô minh, con người giác ngộ trở thành Phật và được giải thoát[4]. Phật giáo không theo chủ nghĩa duy vật, cũng không theo chủ nghĩa duy tâm và khuôn mẫu các quan điểm chủ quan khác.

Các trường phái Phật giáo khác nhau ở quan điểm về bản chất của con đường đưa đến giác ngộ để được giải thoát, tính chính thống của các bài thuyết giảng và kinh điển, đặc biệt là ở phương thức tu tập. Vì hướng đến việc nhận thức đúng đắn bản ngã và thế giới khách quan nên hệ thống triết lý Phật giáo chứa đựng nhiều quan điểm bản thể luận và nhận thức luận. Siêu hình học trong triết học Phật giáo đã phát triển đến một trình độ cao. Phương Tây dịch giác ngộ thành khai sáng (enlightenment) vì trong triết học phương Tây, khai sáng là tự sử dụng trí tuệ của mình để nhận thức đúng đắn thế giới, tương đương như giác ngộ trong Phật giáo. Cũng như Nho giáo, Lão giáo và triết học phương Tây hiện đại, Phật giáo là một hệ thống triết học mang tính khai sáng nhằm hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

Theo Wikipedia

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *