Nguyễn Thanh Tâm
Duy Khán sinh năm 1934, là người của thế hệ chống Pháp, thế nhưng ông luôn được coi là nhà thơ thế hệ chống Mĩ. Mười lăm tuổi, chiếc bị cói, bộ quần áo nâu, đôi dép trắng “con hổ”, chiếc gậy cây rừng theo Duy Khán lên đường tòng quân, cùng lớp lớp kí ức về một “tuổi thơ im lặng”. Với khả năng học vấn nổi trội, Duy Khán trở thành nhà báo ở Đài Phát thanh Quân đội. Do tính cách và cả tính chất của nghề nghiệp, ông xông xáo ở nhiều chiến trường, nhiều mặt trận. Bạn bè ông kể lại, bộ đội phòng không – không quân, hải quân đều coi Duy Khán như người nhà. Thậm chí, sau giải phóng 1975, có mấy tháng liền ông theo các đơn vị hải quân tiếp quản và xây dựng các đảo, đặc biệt là Trường Sa. Vì đi nhiều, sau này lại về làm biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội nên ông viết ít. Tác phẩm văn chương vẻn vẹn chỉ có mấy tập thơ mỏng, chủ yếu được viết những năm chống Mĩ, trong khi đồng nghiệp ở cơ quan “sáng tác bằng máy rào rào”. Sau chuyến đi thực tế ở đảo, theo kế hoạch, Duy Khán viết tập kí Biển thức. Đề tài mang tính thời sự ấy “không kém phần xúc động”, nhưng “hễ giở ra là bố nghĩ ngay đến các con” – những đứa trẻ bao lần im lặng khi nghe bố Duy Khán kể chuyện đời, chuyện làng và giục bố viết nhanh “để các con đọc lại nhiều lần”. Thế là “đứa con ngoài kế hoạch” Tuổi thơ im lặng được thai nghén, ra đời, còn cuốn sách về biển chỉ in được mấy kì trên báo. Khi tác phẩm trình làng, bao nhiêu người ngơ ngác. Với Duy Khán và với văn học Việt Nam đương thời, đấy là một tặng phẩm. Duy Khán bắt đầu viết cuốn này từ năm 1977 và hoàn thành vào năm 1984, là thời gian mà văn học nước nhà chứng kiến dòng chảy hối hả về chiến trận. Nhà văn quân đội này đã lặng lẽ tách dòng, tìm cảm hứng trong bình dị và riêng tư tuổi thơ của đứa trẻ lớn lên từ làng trại Bắc Ninh. Và cuốn sách nhỏ xinh này được nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong tập Chân dung và đối thoại, không hề dè dặt cho rằng đây là cuốn tự truyện hay nhất của văn học Việt Nam.
Cái chặt chẽ của tuyến tính thời gian, Tuổi thơ im lặng không có. Nhà văn nhớ đâu kể đó, nói rồi mà chưa cạn thương, chưa đã nhớ thì quay lại nói tiếp. Kết cấu tác phẩm khá rời với nhiều mẩu chuyện nhỏ, cứ như những lát cắt gọn mà ông bố hiểu con chủ định cắt ra, đủ để kể cho Khoa, Khải, Khánh trong đêm thanh vắng trước mỗi giờ đi ngủ. Mấy mươi đêm trôi qua như thế, ngắn ngủi thôi nhưng hẳn những đứa con ấy cũng như bố Khán sẽ mang theo nó suốt cả cuộc đời. Như người đọc ba mươi năm nay vẫn canh cánh về Tuổi thơ im lặng, bất chấp lời đề tặng của tác giả tập truyện: “Kính tặng quê hương, tặng các con và các bạn nhỏ, tặng những người đã từng nghèo khổ”. Giữa thế giới văn chương nặng tính giải trí, lai căng, họ hạnh phúc khi gặp thứ ánh sáng khác lạ từ những chất liệu cuộc sống nguyên sơ nằm trong sự lựa chọn của tình yêu Duy Khán. Những không gian hoặc được địa danh hóa như núi Dạm, núi Bà Còm, chùa Hàm, chùa Cao, đèo Bẳng, rừng Đống Ngấn… hoặc nôm na gọi là cổng chùa, chỗ chôn rau, vườn nhà… là một phần quan trọng của hồi kí, được tác giả bao bọc trong sương khói cổ tích với việc vỡ lại những huyền thoại dân gian. Chìm trong những tích truyện xa xăm nhiệm màu, cảnh quan địa lí xứ Kinh Bắc trở nên thiêng liêng, cổ xưa và bí ẩn. Đứng trên dải đất quê, trẻ thơ vừa kính, vừa sợ, vừa tò mò khám phá để kiểm chứng những lời nguyền thần bí mà niềm tự hào và hi vọng về sự xuất hiện của những anh hùng hào kiệt, văn nhân thi sĩ thì mãi dâng tràn. Khi mạch truyện hướng về thế giới vô tri, Duy Khán lại tự mình dệt nên cổ tích mới về vạn vật. Thủ pháp “người hóa” thể hiện điểm nhìn hồn nhiên và đa cảm của nhà văn. Chèo bẻo, liếu điếu, bồ nông, con cò, cái vạc, con mèo, con vện, cái chăn, cái cối… được nhìn nhận như một sinh thể người thực thụ. Thậm chí, không ít lần cậu bé Khán bằng tư duy lí luận trẻ con và tấm lòng ấm áp của mình đã giải định kiến, giải huyền thoại cổ xưa. Chèo bẻo được minh oan, không còn là kẻ cắp. Câu ca “Con cóc là cậu ông Trời” không còn sự linh ứng. Yêu đứa trẻ hiền hậu ấy, thiên nhiên đã cất lời thề hẹn thủy chung: “Bạn ơi! Nay mai bạn đi đâu thì đi, ra sao thì ra, bạn cũng ở trong lòng tôi những ngày bạn thơ bé”.
Kiểu không khí cổ tích hoặc hao hao cổ tích ấy còn bảng lảng trong một vài câu chuyện đời, chuyện người. Bà Cả Tuệ mất nhưng người ta đồn rằng hồn bà đã nhập vào cái gốc lim già và cái giếng Cầu Đường cạnh lều tre mái rơm của bà ngày trước. Trẻ con không dám đặt đít ngồi vào gốc lim. Nước Cầu Đường thì trong vắt, uống vào là khỏe người ngay. Niềm tin dân gian ấy thật hồn nhiên và nhân hậu. Nhưng nó vụt tan biến khi nhà văn đối diện những ngày đói. Cái nghèo, cái buồn, cái lam lũ buông tỏa lên những bàn tay, bàn chân, bờ vai. Vai bà trở nên mỏng tang, bàn chân bố bao giờ cũng khuyết một miếng, bờ vai mẹ như ai để bánh dày màu nâu sẫm vào, có lúc nứt ra chảy máu… Kiểu đặc tả như thế gợi lại một Duy Khán nhà thơ. Nhưng cùng đó, lối tả thực lại gọi tên Duy Khán nhà văn. Tác giả không thể thi vị hóa những thân phận được khi mà nạn đói, bệnh tật, những cơn hồng thủy toa rập với nhau lấy đi nhiều sinh mệnh. Chưa kịp nhắc tới chiến tranh mà tự truyện đã nhan nhản những cuộc bất đắc kì tử mang theo nhiều tủi hờn, ngang trái. Chị Xuyên, cái Gái chết vì bệnh tả, bệnh kiết, Dị vì ăn thịt trâu toi mà chết, chị Ngoãn tự tử ở sông Vân, bà Sứt chết đuối… “Cái bãi tha ma hàng trăm mộ ngay sát đường cái quan, hàng trăm người chết”. Cuộc sống làng quê khi ánh sáng cách mạng chưa tới thật xám xịt, u uất. Bản thân Duy Khán và hai anh của mình cũng đã từng làm con nuôi, đi ở đợ; từng lớn lên từ chiếc chăn có hàng trăm mảnh vá và những nồi cơm xanh, một hạt cơm cõng một bao rau má.
Sống trong cái im lìm đáng sợ của nông thôn Bắc Bộ nhưng cậu bé Khán may mắn giữ được cái nhìn đời trong sáng. Cậu không ngừng kiếm tìm chất thơ của đất trời, lòng người nơi đây. Tuổi thơ đói nghèo không thể nào quên buổi tối cả nhà cậu ngồi ăn cơm trên manh chiếu trải giữa sân trong hương lúa đầu mùa từ đồng Chõ thoảng về, “trong tiếng sáo diều cao vút của chú Chàng, trong tiếng chó thủng thẳng sủa giăng”. Những ngày tắm suối xóm Trại cũng ào ào vọng mãi trong kí ức, gợi nhớ những ngày hiếm hoi cả xóm không ngủ, cùng thức với trời, với đất. Đặc biệt hơn, đó là chất thơ len lén tỏa hương từ những người nhà, người làng, người ngụ cư nghèo nhưng có cốt cách. Người bà thất học, một chữ cắn đôi không biết nhưng thuộc như cháo hàng trăm hàng nghìn câu ca. Đã từng ru sáu người con, giờ bà lại tiếp tục ru hàng đàn hàng đống cháu bằng bao nhiêu truyện cổ và ca dao xưa. Gió nồm từ ao chùa lùa vào, tóc bà thì rối tung mà giọng bà thì thong thả. Ông ăn mày Đãng La Miệt thì chuyên để đầu trần, râu tóc bạc phơ, áo quần nâu “bao giờ cũng lành rung rúc”. Ông giỏi chữ nho, cũng thuộc nhiều thơ và tiếng cười vang thì dường như không bao giờ tắt. Những con người khác, ai ai cũng đều trọng tình và trọng chữ. Miếng bánh đúc, bánh đa của bà Chè, những quả cau, lá trầu không của bà Chùa, cặp mắt sưng mọng của dì Dụ khóc cho cái Gái, tiếng hu hu hoài nhớ thời vua Nghiêu vua Thuấn của ông Du trong ngày tết… tất cả đều gọi tên những tâm hồn nhân hậu. Chính cuộc đời và nhân cách của họ đã làm nên những nỗi buồn sang trọng cho trang văn Duy Khán.
Với tự truyện này, Duy Khán thể hiện một điều rất nhất quán. Nhà văn tự nguyện làm người phát ngôn không chính thức cho nông thôn Bắc Bộ. Bằng cái giọng không thể quê mùa hơn, không thể dân gian hơn với mật độ dày ca dao, tục ngữ, cổ tích…, tác phẩm trở thành không gian thứ hai bên cạnh trí nhớ và tâm hồn Duy Khán lưu giữ lề lối sinh hoạt, phong tục ma chay, cách thức chữa bệnh, lời ăn tiếng nói, đời sống tâm linh, thức quê quà quê… và cả những trò chơi dân dã cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống của xứ sở. Kinh Bắc ngày xưa hiện về trong mùi hương nhu, lá bưởi, lá ruối, mùi bánh đúc bọc lá sen, mùi bánh đa vừng… Quê hương sóng sánh chè xanh xóm Trại, óng a óng ánh cờ thần cờ thánh và sang sảng giọng văn tế trong ngày đình đám. Những món quà của bố, của mẹ cũng đậm đà văn hóa làng quê. Bố đi lúc sương đẫm cỏ và về khi cỏ đẫm sương đêm cùng với cả “thế gian” trên đất dưới nước gồm cà cuống, niềng niễng, cá chõn, con sập sành, con bọ bầu, con dế… Tuổi thơ Duy Khán cũng từng ngẩn ngơ với nỗi niềm: “Ước gì mình cứ bé mãi để được reo lên: U về, u về!”. Bởi khi mẹ chợ về, nghiêng thúng là sẽ có mươi củ khoai luộc, vài đận mía, quả bưởi, ông phổng… Tiếng chửi của bà Kép Hỉ cũng là một điểm nhấn khác của Tuổi thơ im lặng. Bà chửi theo đúng “văn hóa chửi” của người dân quê miền Bắc, vần vè, có lớp lang, nhiều ẩn ý. Bà xắn váy quai cồng, vấn cao khăn mỏ quạ, đứng giữa trưa trời nắng chửi ngay khi chánh tổng Đa đi qua. Cảnh tượng ấy là một không gian văn hóa Bắc Ninh thu nhỏ cực kì sống động. Có thể xem tiếng chửi ấy là vũ khí lợi hại thể hiện sự phản kháng của người nghèo bất khuất không cam chịu. Trước đó, khi viết về hội làng, Duy Khán cũng không giấu giếm sự tha hóa của một số người khi chỉ vì chia chác những nong thịt lộc thánh mà có thể to tiếng chửi rủa nhau.
Tên khai sinh của tự truyện là Tuổi thơ im lặng, nhưng nó có thực sự lặng im? Có tiếng pháo sang xuân, tiếng trống hội vui nổi đình nổi đám, tiếng đàn bầu và tiếng hát của những đêm diễn chèo… tuy nhiên những phút “lao xao” ấy tằn tiện lắm. Bức tranh quê nặng nặng thanh âm tủi hờn của những ngày đói. Tiếng chuông chùa làng Vân âm u và buồn thiu. Tiếng người sống khóc thương những người sống một đời lặng lẽ và chết trong im ắng. Tiếng mõ rao, trống thúc. Tiếng quát tháo, đánh đấm thùm thụp. Tiếng van xin. Tiếng khóc nghẹn của người con gái bị ép duyên. Hơn thế, là tâm hồn không lặng sóng yêu thương của nhà văn. Văn Duy Khán giống hệt người Duy Khán, nhạy cảm, hiền lành, trầm lắng, hay khóc. Đứa trẻ nằm trong ổ rơm ấm vẫn xốn xang khi nghe mẹ trở mình, đứa trẻ biết thương cái cối cái chày vì phải giã những mảnh sò, mảnh hến sắc… thì làm sao có thể ngừng cất những lời yêu thương kiểu như: “Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy”, “Bà Chùa! Bà đã già thế. Bà còn sống lâu nữa không?”… Hiểu điều ấy hẳn ta không khắt khe bắt lỗi Duy Khán sa vào biểu cảm ngôn ngữ hồn nhiên mà nên hiểu rằng, sự chân thành là một thành công của tự truyện.
Với cách kể chuyện như thế, Tuổi thơ im lặng có sức lay động lòng người sâu sắc. Duy Khán không gia công, đẽo gọt mà cứ để nguyên “bàn chân trần” của kí ức. Những lời gan ruột của một người con nặng tình với đất đai, xóm mạc đến mức ngấm vào tim, vào giọng cái mạch ngầm văn hóa làng quê đã khẳng định một luận đề muôn đời ý nghĩa: rung động chân thật của nhà văn sẽ làm nên giá trị của nghệ thuật. Đọc tự truyện này, người cùng thời thấy vừa vặn tuổi thơ mình trong đó, người đời sau thì tìm được thế giới lắng đọng tâm tình giữa bức tranh cuộc đời nhốn nháo, phồn tạp.
Nguyễn Thanh Tâm