Nhà văn Toan Ánh tên thật là Nguyễn Anh Toán, sinh năm 1914, tại Đáp Cầu (Bắc Ninh). Suốt cuộc đời mình, ông dành phần lớn thời gian để ghi nhận, khám phá những phong tục tập quán, lề thói dân gian, lễ hội đình đám, tín ngưỡng, địa dư chí, ca dao… của nhiều vùng miền trên đất nước.
Hơn nửa thế kỷ nhà văn Toan Ánh chăm chú ghi nhận, khám phá rồi cặm cụi ghi lại tỉ mỉ những phong tục tập quán, lề thói dân gian, lễ hội đình đám, tín ngưỡng, địa dư chí, ca dao… của từng vùng miền trên dải đất VN với tâm huyết: làm sao để những nét đẹp truyền thống của dân tộc không bị mai một và những thế hệ kế thừa vẫn gìn giữ, tiếp nối thuần phong mỹ tục.
Chính vì thế mà những chi tiết về tập tục, lễ hội và cả những khuôn phép đạo lý phương Đông đã thấm nhuần trong ông. Lúc trưởng thành, làm nhiều công việc khác nhau (thuế vụ, thanh tra, quản thủ thư viện, dạy học…), việc luôn thay đổi nhiệm sở đã đưa ông đến nhiều vùng của đất nước. Đến đâu ông cũng chú tâm tìm hiểu tập quán, hội hè, ca dao… và ghi chép lại một cách rất cẩn thận (thế nhưng tác phẩm đầu tay của ông lại là một truyện ngắn: Chiếc nhẫn quý in trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1935)…
Toan Ánh có nhiều bộ sách giá trị và quan trọng như bộ Nếp cũ gồm 11 cuốn, nói đầy đủ về vòng đời của một con người Việt Nam (từ lúc thai nghén, sinh ra, đi học, đi làm, lập gia đình, chết, cải táng v.v…, đã in 6 cuốn). Bộ Việt Nam chí lược gồm 5 cuốn mới in được 3: Người Việt đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Cao nguyên miền thượng (2 cuốn còn lại là: Miền Trung kiên dũng, Miền Nam phú cường).
Nếu tập truyện Trong lũy tre xanh (viết năm 1957) phê phán hủ tục làng quê thì Phong lưu đồng ruộng (1958) ca tụng nét đẹp của đời sống tinh thần nơi thôn xóm. Nếu Bó hoa Bắc Việt (1958) đề cao phẩm chất hiền thục, đảm đang của người phụ nữ VN thì Tiết tháo một thời (1957) nêu gương khí phách của sĩ phu VN. Cuốn Hương nước hồn quê (1999) dùng những câu chuyện tình để giải thích ca dao. Lại có 2 tập truyện ngắn khá thú vị là Những truyện ăn trộm và Nghệ thuật bắt trộm, rồi Cầm ca Việt Nam, Hồn muôn năm cũ, Trong họ ngoài làng, Ta về ta tắm ao ta…
Sưu tầm