SỰ TỰ LỪA DỐI VÀ VÀI ĐIỀU NGẠC NHIÊN VỀ TRÍ NHỚ CON NGƯỜI

Bạn đang tản bộ trên con đường nhỏ, hàng trăm người lướt qua bạn, rồi đột nhiên anh ta xuất hiện… Trông anh ta rất quen, rõ ràng bạn biết tên anh ta nhưng lại không thể nhớ ra. Bạn nheo mắt lại và liếc anh ta với ngụ ý: “Yên tâm đi, trong một giây tôi sẽ nhớ ra chúng ta đã gặp nhau ở đâu thôi”, nhưng sau đó bạn từ bỏ, rồi nói: “Có lẽ chúng ta đã gặp nhau ở…”, anh ta nhắc bạn: “Trong bữa tiệc của Mike, cách đây hai tháng. Anh là David đúng không…?”

“Ồ! đúng rồi”, bạn nuốt nước bọt rồi cố gắng vớt vát chút lòng tự trọng của mình: “Còn anh là Ron… à… Don nhỉ…”

“Allan”, anh ta nhanh chóng giúp bạn vượt qua tình huống khó khăn.

“Tôi nhớ là có chữ A”, bạn cố tỏ ra hài hước rồi vội vàng xin lỗi, “Thứ lỗi cho tôi nhé, trí nhớ của tôi kém quá.”

Tình huống này có vẻ rất quen thuộc nhỉ? Có phải tất cả chúng ta đều từng gặp phải trường hợp này không? Tiếp tục nhé! Bạn trở về nhà chỉ để thay quần áo rồi đến phòng tập thể dục. Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để đi, quần áo đã thay xong, khăn tắm đã để trong túi xách, ví tiền đã để trong túi xách tay, còn chìa khóa… Chìa khóa đâu? Nó đâu rồi?!

Bạn lục tung túi xách, quay lại tìm trên bàn bếp, rồi bàn phòng khách, kiểm tra ghế xô-pha, phòng ngủ, lật tung khăn trải giường, ném gối. Bạn dừng lại và nghĩ… có lẽ nó ở trong túi xách tay.

Bạn quay trở lại phòng khách, dốc ngược túi xách để mọi thứ rơi ra. Vẫn không thấy. Có lẽ bạn đã bỏ nó vào chiếc ví mà bạn mang đi hôm qua chăng? Chắc là thế rồi! Bạn với lấy chiếc ví rồi kiểm tra kỹ đến mức chắc hẳn không một nhân viên an ninh nào có thể soi xét tỉ mỉ đến vậy. Vẫn không thấy chìa khóa! Nghĩ lại lần nữa xem… Bạn đã làm gì?… Bạn bước vào cửa… vào phòng tắm… vậy chìa khóa ở đâu?!!! Nó chỉ ở trong túi xách. Bạn đổ hết mọi thứ trong túi ra và kiểm tra từng đồ vật một. Không thấy. Bạn gọi cho người bạn mà đã hứa đón người ta cách đây 10 phút và xin lỗi: “Mình không tìm thấy chìa khóa… tâm trí mình để đâu ấy”, rồi bỗng nhiên bạn nhìn thấy chùm chìa khóa nằm ngay dưới quyển danh bạ điện thoại, bên cạnh chiếc điện thoại. Nhẹ cả người!

“Vậy tôi nên kết luận thế nào?”, bạn có thể hỏi,

“Trí nhớ của tôi kém thế sao? Tôi hiểu! – đó cũng là lý do tôi đọc cuốn sách này mà.”

Nhưng đó không phải là kết luận. Đây cũng là lỗi mà chúng ta thường gặp phải: chúng ta kết luận rằng trí nhớ của mình quá kém.

Điều ngạc nhiên thứ nhất: Không có trí nhớ nào là kém!

Cũng giống như những thứ khác, trí nhớ không phải là một hệ thống toàn diện và không thể phân loại tốt hay kém.

Nếu chúng ta khó có thể nhớ tên, nhớ mặt người khác thì liệu có phải là toàn bộ hệ thống trí nhớ của chúng ta kém không? Nếu chúng ta quên mất cuộc trò chuyện ngày hôm qua thì liệu có phải chúng ta sẽ không nhớ bài giảng ngày mai không?

Không có mối liên hệ nào cả. Có thể chúng ta có trí nhớ tốt đối với việc nhớ các số điện thoại hay nhớ lời bài hát khi mới chỉ nghe trên đài một lần. Vấn đề xuất phát từ quan niệm phổ biến của xã hội cho rằng chỉ có tối đa hai khả năng: một trí nhớ tốt và một trí nhớ kém.

Thực tế, có rất nhiều khả năng: chúng ta có thể nhớ tốt trong một số lĩnh vực cụ thể nào đó nhưng lại nhớ kém trong những lĩnh vực khác.

Khi một trung đội thất bại trong việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể thì điều đó không có nghĩa là cần phải xét lại toàn bộ đội quân đó, hay người chỉ huy phải tiến hành kiểm điểm kỹ lưỡng trong cả trại huấn luyện. Đó rõ ràng là một sự cố.

Điều này cũng tương tự với trí nhớ. Nếu chúng ta khó có thể ghi nhớ một số điện thoại, điều đó không có nghĩa là ta có trí nhớ kém. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta khó nhớ một số điện thoại mà thôi.

Khi nhận ra đặc điểm này, bạn sẽ thấy nhiệm vụ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, từ đó tất cả những gì chúng ta cần làm là cải thiện những lĩnh vực mà trí nhớ còn kém.

Trích Bí mật của một trí nhớ siêu phàm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *