NHẬN DIỆN NHỮNG NÉT TÍNH CÁCH CỐT LÕI VÀ PHẢN ỨNG TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI

Nhìn từ góc độ tâm lý học, tính cách là thuật ngữ dùng để chỉ những đặc trưng về nhân cách, được biểu hiện bằng hành vi mang tính thói quen và ổn định của một người đối với thực tế. Tính cách thể hiện đạo đức của một người và chịu ảnh hưởng từ giá trị quan, nhân sinh quan cùng thế giới quan của người đó. Tính cách được hình thành dần dần trong quá trình con người sống giữa xã hội, hạt nhân của nó là khác biệt về nhân cách. Với 4 cuốn sách dưới đây, bạn có thể phần nào hiểu rõ các nhóm tính cách cơ bản, cơ chế cảm xúc của con người, từ đó khám phá bản thân cũng như những người xung quanh. (Chi tiết hơn trong từng ảnh)

1. Tâm lý học tính cách

Liệu chúng ta có thể “đọc” được suy nghĩ của người khác hay không? Điều này thoạt đầu nghe có vẻ như chỉ tồn tại trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, với sự phát triển của tâm lý học cũng như vô số khảo sát, nghiên cứu hành vi con người trong nhiều năm qua, việc phán đoán phần nào suy nghĩ và cảm xúc thông qua quan sát biểu hiện bên ngoài, thần thái, ngôn từ, hành vi là điều hoàn toàn có thể thực hiện.

Cuốn sách Tâm lý học tính cách lấy “chín kiểu hình tính cách” làm trọng tâm, với nền tảng là những lý luận của tâm lý học tính cách và tâm lý học chiều sâu, giới thiệu đến bạn đọc một cách chi tiết về đặc trưng và phương pháp cải thiện khuyết điểm dành cho chín kiểu hình tính cách của con người.

2. Tâm lý học – Nghệ thuật giải mã hành vi

Phải biết rằng, có rất nhiều người biểu hiện khi giao tiếp thường không phù hợp với nhu cầu nội tâm của họ, điều này có liên quan tới các nhân tố như tính cách, địa vị,… Tuy nhiên dù cố gắng kìm nén, khoác lên vỏ bọc hoàn hảo đến đâu thì trong những tình huống có mâu thuẫn, xung đột con người có những phản ứng trong vô thức, từ đó bộc lộ phần nào thái độ và cảm xúc.

Cuốn sách Tâm lý học – Nghệ thuật giải mã hành vi đưa ra những kiến giải thú vị về hành vi con người trong những tình huống cụ thể, thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó nhìn ra những suy nghĩ thực sự đang bị giấu kín dưới lớp mặt nạ, phá tan phòng tuyến tâm lý để đạt được mục đích trong giao tiếp.

3. Tâm lý học nhận thức

Trước khi hiểu được người khác, cần phải hiểu chính mình. Đó chính là tiền đề cho tâm lý học nhận thức. Nhận thức không phải là điều diễn ra trong một sớm một chiều mà là cả một quá trình đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là hoang mang, mất phương hướng. Thông qua quá trình tự nhận thức, chúng ta sẽ khám phá ra những năng lực tiềm ẩn, sống tích cực hơn và tự đặt ra những mục tiêu để phấn đấu.

Cuốn sách Tâm lý học nhận thức đem đến cho người đọc những chia sẻ chân thành và sâu sắc về con đường tự nhận thức, từ việc hình thành năng lực nhận thức, xác định mơ ước, đánh thức đam mê, nuôi dưỡng tâm hồn và giải phóng tư duy.

4. Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn

Tư duy là dòng chảy liên tục. Khi có một kích thích nào đó tác động đến bộ não của chúng ta, cách chúng ta hiểu và đón nhận kích thích đó sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của những suy nghĩ liên quan đến nó. Và những trải nghiệm ta thu thập được từ nhỏ đến giờ dù có ý thức hay không sẽ là một loại kho chứa quyết định phương hướng tư duy. Tức là, những trải nghiệm lặp đi lặp lại mà ta thu thập được trong cuộc đời mình sẽ trở thành một chỉ tiêu quan trọng quyết định cách ta nhìn nhận thế giới và sự vật sự việc xung quanh mình.

Thông qua cuốn sách Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn, bạn sẽ phần nào hiểu được các vấn đề tâm lý được tạo ra bởi vô số những trải nghiệm trong quá khứ, chẳng hạn như căn bệnh Trầm cảm, Rối loạn cảm xúc lượng cực, Chứng rối loạn hoảng sợ, Nhân cách trầm uất… Từ đó có thể tìm ra con đường dẫn tới sự chữa lành.

Tổng hợp Tâm lý học đám đông

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *